Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn
Các chuyên gia cho rằng, đây là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là nhóm trẻ em và người cao tuổi. Bệnh gây ra do nhiều do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau hoặc là sự phối hợp giữa nhiều yếu tố, trong đó, tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất.
Các tác nhân dị ứng:
- Tác nhân nhiễm khuẩn: Là các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA…
- Khói thuốc lá: Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hen suyễn. Do đó, ngay cả những người chưa từng mắc bệnh hen trước đó cũng có thể khởi phát các cơn hen một cách đột ngột nếu thường xuyên hút thuốc lá hay tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
- Khói bụi: Môi trường làm việc nhiều khói bụi có thể gia tăng khả năng mắc bệnh hen.
- Các chất dị ứng trong gia đình: Lông “thú cưng” làm tăng nguy cơ hen lên đến 10 lần. Chăn lông, phấn hoa… đều có thể là những chất dị ứng gây kích hoạt các cơn hen phế quản.
- Chất nặng mùi: Nước hoa, các loại sơn phun, nước xịt côn trùng… cũng có thể gây bộc phát các cơn hen phế quản trong nhiều trường hợp.
- Những chất trong công nghiệp như: Bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn,…
- Thức ăn: Dị ứng với thức ăn, đồ uống hoặc các chất phụ gia dùng trong bảo quản cũng có thể khiến các cơn hen bộc phát.
- Do vận động quá sức: Hen phế quản có thể khởi phát hoặc nặng lên nếu vận động quá sức.
Các tác nhân không dị ứng:
- Thay đổi hormone: Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh dễ lên cơn hen phế quản.
- Di truyền: Trong gia đình có người bị hen phế quản.
- Yếu tố tâm lý: tình trạng căng thẳng, lo lắng hoặc sang chấn tâm lý,…
- Rối loạn chức năng tình dục.
Triệu chứng
Theo bác sĩ Phạm Thanh Xuân, các cơn hen thường xuất hiện rất đột ngột. Trước khi lên cơn, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, ho khan… Bệnh sẽ tái phát nhiều nhất là vào ban đêm. Đặc biệt, những cơn hen ác tính sẽ kéo dài hàng giờ đồng hồ, có khi là cả ngày khiến bệnh nhân thở rít, thở chậm, phải thở bằng miệng.
Bác sĩ Phạm Thanh Xuân cũng cho biết thêm, hen phế quản có 3 giai đoạn từ lúc khởi phát cho đến khi dứt cơn, các triệu chứng cụ thể như sau:
- Giai đoạn khởi phát: Thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng. Một số người còn xuất hiện các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, ho từng cơn, bồn chồn…
- Giai đoạn lên cơn: Bắt đầu xảy ra tình trạng khó thở, nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài. Khi lên cơn hen, lồng ngực bệnh nhân căng ra, các cơ hô hấp phụ nổi rõ, có thể có tím ở đầu tay chân sau đó lan ra mặt và toàn thân. Đứng xa có thể nghe tiếng rít của bệnh nhân. Cơn khó thở dài hay ngắn tùy theo từng bệnh nhân.
- Giai đoạn lui cơn: Sau vài phút thậm chí là vài giờ, cơn hen sẽ giảm dần, bệnh nhân ho khạc đờm rất khó khăn, đờm đặc quánh, có nhiều hạt nhỏ như hạt trai. Đờm khạc ra càng nhiều báo hiệu cơn hen đã sắp hết.
Biến chứng
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới cho thấy, hen phế quản là một trong những bệnh gây ra nhiều gánh nặng cho xã hội, chi phí tổn thất rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với chi phí của 2 căn bệnh hiểm nghèo nhất trên thế giới là lao và HIV/AIDS cộng lại.
Khi biến chứng,bệnh để lại hậu quả rất nặng nề. Đó là lý do người mắc bệnh và người thân cần có sự hiểu biết và trang bị kiến thức phòng bệnh để góp phần khống chế một cách có hiệu quả các biến chứng của bệnh hen phế quản.
Bệnh tiến triển theo từng đợt cấp, sau mỗi đợt, bệnh sẽ diễn biến nặng và nguy hiểm hơn. Trong một số trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tiến triển, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm khuẩn phế quản: Tình trạng này thường xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đặc biệt có xu hướng tăng mạnh lúc giao mùa. Bệnh nhân khi bị nhiễm khuẩn phế quản sẽ sốt cao, khó thở, xuất hiện đờm nhiều.
- Xẹp phổi: Thống kê cho thấy, có khoảng ⅓ bệnh nhân nhập viện điều trị do hen phế quản bị biến chứng xẹp phổi. Đây là biến chứng nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
- Tâm phế mạn tính: Người bệnh sẽ có biểu hiện khó thở khi gắng sức, đau hạ sườn phải, tím tái liên tục…
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Do các phế nang giãn rộng, tại vùng phế nang giãn, các mạch máu trở nên suy yếu, gia tăng áp lực trong phế nang dễ gây bục vỡ thành phế nang, đặc biệt là khi làm việc quá sức.
- Giãn phế nang đa tiểu thùy: Giãn phế nang đa tiểu thùy hay còn gọi là bệnh khí phế thũng. Biểu hiện của bệnh là khạc đờm nhiều, môi và đầu chi tím tái, người bệnh khó thở thậm chí không thở được.
- Ngưng hô hấp, suy hô hấp: Do tình trạng thiếu oxy não, người bệnh rơi vào tình trạng suy hô hấp kéo dài, trong một số trường hợp diễn biến nặng, người bệnh sẽ ngừng tim, ngừng hô hấp, hôn mê sâu và tử vong.
Cách phòng ngừa bệnh hen phế quản
Thời tiết giao mùa có thể làm cơn hen xuất hiện hoặc nặng lên, do đây là thời điểm thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, dị nguyên và các yếu tố khởi phát hen phế quản. Đặc biệt, phế quản của người bị hen nhạy cảm hơn rất nhiều so với người bình thường nên sẽ làm trầm trọng thêm bệnh hen nếu không được điều trị đúng cách.
Để phòng ngừa bệnh hen phế quản, những người có cơ địa dị ứng cần chú ý đến môi trường sống, không nên tiếp xúc với những vật dễ gây dị ứng như lông thú cưng, bụi hoa, khói thuốc lá… Người bệnh viêm phế quản cũng nên chú ý đến tình trạng sức khỏe, không nên làm việc quá sức, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao, tăng cường dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước cũng là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh.
Hen phế quản là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt, bệnh nhân vẫn có thể học tập, làm việc, chơi thể thao bình thường, ngủ yên giấc, tránh được hầu hết các cơn hen kịch phát, duy trì được chức năng phổi bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cần thăm khám và chẩn đoán sớm để kiểm soát cơn hen hiệu quả và điều trị kịp thời.
|